Chính sách tiền tệ Kinh_tế_Việt_Nam_Cộng_hòa

Diễn biến lạm phát (%) ở VNCH căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (áp dụng riêng cho tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động).[72]

Mức giá chung của nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa tương đối ổn định trong thời kỳ trước 1965. Những năm 1957-1958 và 1960, mức giá chung không những không tăng mà còn giảm (hiện tượng giảm phát). Sang thời kỳ chiến tranh leo thang, mức giá chung của nền kinh tế cũng leo thang mà nguyên nhân là chính quyền phải phát hành tiền nhiều hơn để chi tiêu cho chiến tranh và để đổi cho quân đội Mỹ và đồng minh chiến đấu tại Việt Nam Cộng hòa. Trước xu hướng lạm phát tăng tốc, chính quyền đã triển khai một số biện pháp kìm chế, trong đó có biện pháp phá giá nội tệ, đồng thời đẩy mạnh bán ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhà nước để có thể thu hồi được nhiều hơn số tiền trong lưu thông về ngân khố quốc gia (biện pháp ngày 17/6/1966), tăng thuế (biện pháp ngày 23-10-1969), tăng lãi suất ngân hàng và áp dụng chế độ tỷ giá song song (biện pháp ngày 5/10/1970).[73]

Do mức giá chung tăng lên, chính quyền cũng đã có những thay đổi trong phát hành tiền. Nếu như trong thời kỳ giá cả ổn định trước năm 1965, tờ tiền giấy có mệnh giá cao nhất là tờ 1.000 đồng, thì năm 1975, các tờ mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng đã được phát hành.

Tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành 1955.

Trong suốt hai mươi năm tồn tại, trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa luôn tồn tại đồng thời nhiều loại tỷ giá hối đoái giữa nội tệ với ngoại tệ bao gồm một số loại tỷ giá chính thức và một loại tỷ giá không chính thức (tỷ giá chợ đen). Đây là điều thường thấy ở các nền kinh tế đang phát triển. Các loại tỷ giá hối đoái chính thức gồm tỷ giá để tính toán của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện Thống kê Quốc gia, tỷ giá áp dụng cho xuất khẩu, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu bằng ngoại tệ từ dự trữ của nhà nước. Hai loại tỷ giá thứ hai và thứ ba bằng tỷ giá thứ nhất cộng hoặc trừ một mức theo quy định của chính quyền. Hệ thống nhiều tỷ giá này cho phép chính quyền linh hoạt trong điều tiết xuất nhập khẩu. Trong những năm 1972-1973, chính quyền đã điều chỉnh tỷ giá chính thức áp dụng cho xuất khẩu lên cao hơn cả tỷ giá thị trường chợ đen nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Cùng lúc đó, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu lại được điều chỉnh xuống thấp hơn cả tỷ giá chính thức để tính toán và thống kê nhằm mục đích hạn chế nhập khẩu. Tháng 1 năm 1955, tỷ giá chính thức loại dùng để thống kê giữa Đồng và Dollar Mỹ là 35:1, trong khi tỷ giá ngoài thị trường là 180:1. Tháng 12 năm 1974, giá trị tương ứng của hai loại tỷ giá đó lần lượt là 685:1 và 721:1.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Việt_Nam_Cộng_hòa http://www.banknoteworld.com/countries/vietnam_sou... http://www.bbc.com/vietnamese/programmes/story/200... http://www.bbc.com/vietnamese/specials/170_viet_st... http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-45949919.htm... http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/PNAAK857.pdf http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/chronology... http://www.viet-studies.info/kinhte/DangPhong_Nguo... http://www.viet-studies.info/kinhte/HoiKy_NguyenHu... http://www.f.waseda.jp/tvttran/en/recentpapers/E03... http://trithucvn.net/blog/truoc-nam-1975-kinh-te-n...